Hai “ông trùm” ngành thép Việt Nam giàu lên “chóng mặt” vì lý do gì?

Trong thời gian gần đây, giá trị tài sản của 2 “ông trùm” ngành thép Hòa Phát và Hoa Sen tăng chóng mặt do cổ phiếu có tốc độ tăng giá phi mã.

Hai “ông trùm” ngành thép Việt Nam giàu lên “chóng mặt” vì lý do gì? - 1

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát- Trần Đình Long.

Trong nhiều phiên giao dịch trở lại đây, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh và trở thành ngọn sóng lớn dẫn dắt thị trường.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát. Thị giá HPG bắt đầu tăng sau thông tin doanh nghiệp đạt lợi nhuận kỷ lục khi mà lợi nhuận sau thuế quý III/2020 của doanh nghiệp đạt 3.785 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi cùng kỳ 2019.

Đây cũng là mức lãi cao nhất trong quý của Hòa Phát trong suốt gần 30 năm lịch sử hoạt động.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt lợi nhuận ròng 8.845 tỷ đồng và đã thực hiện được đến 98% kế hoạch năm nay.

Trong phiên giao dịch hôm 18/11, mặc dù thị trường chứng khoán trải qua rung lắc và có những biến động khó lường nhưng cổ phiếu HPG tiếp tục đà tăng trưởng, chốt phiên ở mức 34.600 đồng/cổ phiếu.

Hai “ông trùm” ngành thép Việt Nam giàu lên “chóng mặt” vì lý do gì? - 2

Cổ phiếu HPG có 5 phiên liên tục tăng giá. Ảnh chụp màn hình

Như vậy, từ ngày 12/11 đến nay, HPG đã có 5 phiên liên tục tăng giá và mức giá hiện tại của HPG cũng đang ở mức đỉnh. So với đáy hồi cuối tháng 3, hiện tại HPG đã tăng tới 150% giá trị.

Đây cũng là cổ phiếu có thanh khoản ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường. Khối lượng giao dịch bình quân của HPG trong vòng 1 tháng qua đạt gần 16,9 triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Đứng ngay sau HPG về khối lượng giao dịch là HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Chốt phiên 18/11, HSG có giảm nhẹ về mức 19.050 đồng/cổ phiếu so với phiên hôm 17/11 là 19.100 đồng- thị giá cao nhất của cổ phiếu Hoa Sen trong hơn 2 năm qua từ tháng 3/2018.

Trong niên độ tài chính 2019 – 2020 (1/10/2019 – 30/9/2020), kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen khá ấn tượng khi báo lãi sau thuế tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt 1.151 tỷ đồng.

HSG vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện sau những thời điểm vô cùng khó khăn 2018-2019. Tuy nhiên, có thể thấy, việc tái cơ cấu toàn diện tập đoàn bước đầu đã đem lại những thành quả nhất định cho HSG.

Nhờ diễn biến tích cực của giá cổ phiếu nên giá trị tài sản của các “ông trùm” ngành thép Việt cũng tăng lên nhanh chóng.

Tính đến ngày 30/12/2019, Chủ tích Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu 700 triệu cổ phiếu HPG.

Với thị giá 34.600 đồng/cp, chỉ tính riêng giá trị số lượng cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long đang nắm giữ đã lên tới 24.220 tỷ đồng. So với cuối tháng 3, tài sản của ông Long đã tăng thêm 14.560 tỷ đồng.

Theo cập nhật của Forbes tại thời điểm hiện tại, giá trị tài sản ròng của ông chủ Hoà Phát đã đạt mức 1,6 tỷ USD.

Tài sản của ông Lê Phước Vũ hiện khiêm tốn hơn, đạt 1.416,2 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay, ông Vũ đã có thêm 1.096,5 tỷ đồng nhờ vào cổ phiếu.

Bài viết liên quan

    Bình Luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Tỷ giá & Giá Vàng